“Chứng khoán 2022”
*Written in Vietnamese
2021 là một năm bùng nổ đối với thị trường chứng khoán Việt Nam, theo cả nghĩa bóng và nghĩa đen. Chính sách giảm lãi suất của nhà nước đã làm bàn đạp cho nguồn tiền nhàn rỗi đổ vào kênh đầu tư với mức lợi nhuận cao nhất - chứng khoán. Tính riêng trong 2021 , cả nước có hơn 1,3 triệu lượt mở tài khoản mới (lớn hơn số lượng của 4 năm trước cộng lại), đi đôi với việc sẽ có thêm những nhà đầu tư non trẻ trở thành những miếng mồi non trẻ cho các “cá mập” nếu tiếp cận thị trường một cách mơ hồ. Xu hướng này đã đưa VNINDEX lên những ngưỡng mới với con số kỉ lục 1500 điểm vào phiên ngày 30/11 và mức thanh khoản cực tốt với xấp xỉ 1 tỉ USD 1 ngày. Nửa đầu năm là sự thống trị của bộ ba nhóm ngành “Bank-Chứng-Thép” tuy nhiên Bất Động Sản đã nhanh chóng chiếm loại ngôi đầu khi hàng loạt cổ phiếu trong nhóm này “tím lịm” và tăng bằng lần trong giai đoạn nửa cuối năm. 2021 cũng chứng kiến đợt rút ròng lớn từ các nhà đầu tư nước ngoài, với hơn 1,3 tỉ USD được rút khỏi thị trường VN, tuy nhiên theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, đây là một con số khá “thường” nếu so với tình hình chung của khu vực. Để đưa ra những nhận định về xu hướng thị trường cho năm 2022 ta cần nhìn vào 3 yếu tố ảnh hưởng trực tiếp tới thị trường nước nhà: thị trường Mỹ-Trung, và tình hình lạm phát hậu dịch.
Như bao quốc gia trên thế giới trong thời kì dịch bệnh, Cục dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED) đã vô số lần thực thi những biện pháp “cứu cánh” cho nền kinh tế Mỹ nói riêng và toàn cầu nói chung, bao gồm việc giảm lãi suất về 0%, chương trình mua trái phiếu và mua nợ của Quốc Hội. Không ngoài dự đoán, cái giá phải trả là mức lạm phát cán mốc 6,8%, cao “kỉ lục" trong 40 năm qua. Sau cuộc họp của Ủy ban Thị trường mở (FOMC) vào 15/12 vừa qua, chủ tịch FED Jerome Powell, người nổi tiếng với những chính sách trung lập, đã xác nhận Mỹ sẽ có 3 đợt tăng lãi suất trong năm 2022 với mức dưới 1%. Theo The Economist, mức độ ảnh hưởng của những chính sách tiền tệ từ Mỹ lên Việt Nam là không cao, ở mức 10 trên thang 40 . Bên cạnh đó, mức tăng lãi suất của FED cũng không có gì bất ngờ và mức lãi suất thấp rất có khả năng tiếp diễn ở Việt Nam trong năm 2022, nên nhà đầu tư hoàn toàn có thể an tâm về một kịch bản độc lập của thị trường Việt Nam đối với Mỹ. Có chăng là mức tỉ suât quy đổi USD/VND sẽ tăng nhẹ, ảnh hướng đến nguồn vốn ngoại quốc đổ về khi nhà đầu tư ngoại sẽ có phần e ngại do chênh lệch tỉ giá.
Tuy chính sách tăng lãi suât của Mỹ không thật sự đáng lo ngại cho thị trường VN trong thời gian tới, nhưng với “anh lớn” Trung Quốc thì đó là một câu chuyện hoàn toàn khác. Biến chủng Omicron đã khiến Chính phủ Trung Quốc tiến hành siết chặt việc phòng chống dịch, hạn chế nhập khẩu. Người bị ảnh hưởng không ai khác ngoài những người nông dân với nguồn thu là sản lượng xuất khẩu sang Trung Quốc. Tại cửa khẩu Lạng Sơn, kim ngạch xuất khẩu từ 1/12 đến 15/12 chỉ đạt 121 triệu USD ( giảm 40% so với tháng 11), người nông dân khóc ròng khi hàng nghìn container chứa hàng nghìn tấn nông sản của họ sớm muộn cũng sẽ bị hư hỏng nếu không được tiêu thụ. Với việc Trung Quốc là đối tác lớn nhất của nước ta trong cả nhập khẩu lẫn xuất khẩu, kèm theo đó là sự trỗi dậy của “Con Rồng Châu Á’ khi mới đây tờ Bloomberg cho rằng tài sản ròng của Trung Quốc đạt 120.000 tỉ USD, vượt qua Mỹ với 90.000 tỉ USD, nhà đầu tư phải thật sự quan tâm đến những chính sách của nước này nếu muốn đưa ra những quyết định đầu tư hoặc đặt cược sáng suốt.
Lạm phát đang là một cụm từ rất được quan tâm trong thời gian gần đây tại VN, sau làn sóng dịch bệnh và những quyết định về các gói kích cầu của nhà nước. Tâm lý của người dân lúc này đang rất quan ngại và cho rằng lạm phát đang diễn ra thông qua những tình huống rất cơ bản như… một bát phở bị đội giá . Đưa ra nhận định về lạm phát bằng những lí do trên thật sự hoàn toàn thiếu chính xác, tiền tệ và hàng hóa như một chiếc giỏ với đa dạng mặt hàng, và để đánh giá tổng thể cả giỏ hàng thì không thể đánh giá đơn lẻ một mặt hàng mà phải nhìn nhận vấn đề một cách toàn diện hơn. Lạm phát thường được đánh giá thông qua những chỉ số như: Consumer price index(CPI), Producer price index(PPI), Personal consumption expenditure (PCE), Wholesale price index (WPI). Trong đó CPI là chỉ số được nhắc đến nhiều nhất , CPI của nước ta trong 11 tháng của 2021 chỉ tăng 1,84% so với cùng kì năm ngoái , mức tăng thấp nhất kể từ 2016. Trong đó, nhóm ngành giao thông vận tải GTVT gia tăng đáng kể với 3,11% phản ánh trực tiếp cho đợt bùng nổ giá năng lượng trên toàn thế giới. Ngoài ra, lạm phát cơ bản (core inflation ), chỉ số đã loại bỏ những nhóm ngành mang tính mùa vụ và đột biến như thực phẩm, năng lượng, cho thấy một mức tăng rất khiêm tốn với mức tăng 0,82% trong 11 tháng so với cùng kì năm trước, giải thích cho việc giá thực phẩm và năng lượng tăng nhưng nhìn chung tình hình lạm phát đang được kiểm soát ở mức ổn. Nhà nước và các doanh nghiệp đang thực hiện tốt và đưa ra những kết quả rất tích cực trong việc phục hồi kinh tế và cân bằng lạm phát cho xã hội nói riêng và thị trường chứng khoán nói chung.
Nhìn lại giai đoạn khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008, Nhà nước Việt Nam cũng đã thực hiện bơm tiền trực tiếp vào thị trường. Tuy nhiên, với sự kiểm soát lỏng lẻo thì dòng tiền không đổ vào các hoạt động kinh doanh, sản xuất mà lại được đưa vào thị trường chứng khoán và bất động sản, hậu quả là mức lạm phát tăng 18% trong năm 2009 và 2011. Để xử lí mức lạm phát ấy thì các ngân hàng lớn đã nâng lãi suất tiết kiệm lên trên 18%, khiến các khoản vay mua BĐS của người dân trở nên bất khả thi trong việc trả lãi, và sau đó là một giai đoạn giá BĐS đóng băng dài. Ta nhận thấy xu hướng ấy đang được tái hiện vào năm 2021 khi những cơn “sốt đất” diễn ra sau khi nhà nước thực hiện các chính sách kích cầu, khiến nhiều người lo sợ “bong bóng” BĐS sẽ nổ ra . Nhưng lần này, xu hướng tăng của thị trường BĐS là có cơ sở và rất ổn định. Như nêu trên, tình hình lạm phát đang được kiểm soát ở mức ổn, không có dấu hiệu về một đợt tăng lãi suất đột ngột ,việc kiểm soát dịch bệnh đang diễn ra tốt, và thêm vào đó là những chính sách đầu tư công ở các thành phố lớn. Những yếu tố trên đã khiến BĐS là một thị trường đáng đầu tư và vẫn sẽ có xu hướng tăng trưởng.
Vàng là một hình thức “phòng thủ “không thể thiếu trong giai đoạn e ngại về lạm phát. Tuy nhiên với sản lượng vàng SJC khan hiếm và chênh lệch giá vàng nội ngoại rất lớn, việc mua vàng ở thời điểm hiện tại là không thật sự sáng suốt. Thêm vào đó, phong tục tập quán mua vàng đầu năm của người Việt sẽ làm lượng cầu của thị trường tăng cao, đẩy giá vàng lên cao thêm, các nhà đầu tư có thể xem xét cơ cấu danh mục với vàng khi cơn sốt đã hạ nhiệt trong năm tới. Và cuối cùng là thị trường chứng khoán với nhiều dự đoán sẽ có những biến động mạnh trong năm sau , nhưng nhìn chung vẫn sẽ là xu hướng tăng. Với dự đoán về một đà tăng bền vững cho thị trường BĐS và những lợi thế về quỹ đất, đầu tư công , các công ty BĐS là một lựa chọn tốt cho nhà đầu tư chứng khoán trong năm 2022. Năm qua là một năm thành công của những ngân hàng thương mại thông qua những con số thống kê ấn tượng, với cuộc đua tăng vốn tiếp diễn, nhóm ngành Ngân hàng vẫn sẽ có sự tăng trưởng mạnh mẽ . “Bình thường mới” cũng tạo điều kiện cho những doanh nghiệp bán lẻ lấy lại đà phát triển , chẳng hạn như MWG ( Thế giới di động ) với những pha chạm đỉnh khi Iphone 13 ra mắt trong năm nay. Nhìn chung, năm 2022 sẽ là một năm tăng trưởng tốt cho cả nền kinh tế nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng, nhà nước vẫn sẽ tiếp tục giữ lãi suất ở mức thấp và sẵn sàng có sự điều chỉnh để đối mặt nếu lạm phát xảy ra. Các nhà đầu tư nếu cơ cấu danh mục một cách sáng suốt và biết giảm thiểu rủi ro sẽ có nhiều khả năng tạo ra lợi nhuận tốt.